VOV.VN – Để đảm bảo an toàn tại những nơi này cần có các giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là ý thức tự giác chấp hành của mỗi người dân.
Thường xuyên xảy ra va chạm đường sắt tại tuyến đường Ngọc Hồi
Mới đây, vào khoảng 18h55 ngày 24/8, tại ngõ 210 đường Ngọc Hồi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt giữa tàu khách SE8 với một xe máy. Cụ thể, vào thời điểm trên, tàu khách SE đang di chuyển theo hướng từ TP.HCM – Hà Nội do ông Nguyễn Văn Luân – Xí nghiệp đầu máy Hà Nội) điều khiển đã va chạm với xe mô tô mang BKS: 35AN – 047.65 do 2 nữ điều khiển đi từ ngõ 210 ra hướng đường Ngọc Hồi. Hậu quả, khiến 2 nữ sinh (quê quán tại Ninh Bình), 1 tử vong tại chỗ, 1 tử vong trên đường đi cấp cứu.
Bà Lê Thị Phượng (sống tại ngõ 210 đường Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng chia sẻ: “Đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh, thời điểm hai cháu gái đi đến, tôi trông thấy nhưng khoảng cách xa, tàu đi tới sát rồi, chỉ còn cách hét lên cảnh báo chứ không làm gì được. Lúc đó, hai cháu vừa đi vừa mải nói chuyện, người dân và tôi có hét rất to để cảnh báo nhưng các cháu không nghe thấy và hậu quả thật quá xót xa”.
Theo bà Lê Thị Phượng, người dân sống tại đây thường xuyên được tuyên truyền, viết cam kết không vi phạm quy định…vì vậy ý thức tuân thủ quy định được nâng cao. “Thực tế, khi tàu đến cách 1km đã nghe thấy tiếng còi tàu rồi, nên dễ dàng trong việc phòng tránh và quan sát nhắc nhở mọi người. Nhiều trường hợp, ở các nơi xa mới đến chưa quen, khi đi qua đường tàu, mải câu chuyện hoặc không chú ý điều phương tiện ở các ngõ nhỏ, đường ngang…lên giữa đường ray tàu rồi, chúng tôi kéo quay lại thì tàu đi tới. Tuy nhiên có một số trường hợp tai nạn là các trường hợp người lạ băng qua đường tàu chứ người dân ở khu vực này gần như không có”, bà Lê Thị Phượng cho biết.
Ông Vũ Quang Triển (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Tôi nhận thấy khu vực đường Ngọc Hồi nói chung và khu vực từ ngõ 210 đến 268 nói riêng được coi là điểm tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn đường sắt. Trong những năm trở lại đây đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông giữa tàu hoả và các phương tiện giao gây thiệt hại về người và tài sản”.
Theo ông Vũ Quang Triển, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân chưa cao, không chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông khi đi qua đường sắt, cố tình vượt ẩu qua đường sắt.
“Đa phần những trường hợp bị tai nạn tại khu vực này đều là những người từ nơi khác qua, không tập trung chú ý quan sát, có trường hợp vội vã, vượt rào chắn để băng qua”, ông Vũ Quang Triển chia sẻ.
Hà Nội có nhiều lối mở qua đường sắt bậc nhất cả nước
Đây không phải lần đầu tiên tại khu vực đường Ngọc Hồi xảy ra va chạm giữa tàu hỏa và các phương tiện khác. Theo thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, riêng khu vực này xảy ra 3 vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản. Trong năm 2022, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 7 người chết và 4 người bị thương, tăng số vụ và người chết so với năm 2021.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 6 tuyến đường sắt đi qua 18 quận, huyện, với tổng chiều dài hơn 162km. Đây là một trong những địa phương có nhiều lối mở qua đường sắt nhất trên cả nước. Toàn thành phố hiện tồn tại 363 lối mở qua đường sắt trên địa bàn 17 quận, huyện, đây là những ”điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) cao.
Hà Nội vẫn còn 545 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó: 182 vị trí đường ngang hợp pháp (78 đường ngang có gác chắn, 77 đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động, 27 đường ngang phòng vệ bằng biển báo). Trong 363 lối mở trên, Sở GTVT Hà Nội mới tổ chức trực cảnh giới tại 17 vị trí (chủ yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh), các địa phương, doanh nghiệp trực tại 5 vị trí.
Theo ghi nhận, tại khu vực này có nhiều đường ngang giao cắt đã xuống cấp, mặt đường gồ ghề, độ dốc lớn. Các rào chắn thô sơ, lực lượng nhân viên gác chắn lại mỏng và gặp nhiều khó khăn… Các lối mở này chủ yếu là do các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt tự mở để tiện di chuyển tắt ra đường bộ, không phải đi ra đường gom, đường ngang có cảnh báo, gác chắn của ngành đường sắt.
Thực trạng này khiến nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt vẫn cao, báo động tới các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương về công tác giám sát và xử lý vi phạm. Nhiều vụ tai nạn không chỉ thiệt hại về người, phương tiện đường bộ, mà còn gây hư hỏng tàu đường sắt, phải khắc phục hậu quả lâu dài và gây ra ùn tắc giao thông.
“Ý thức của người dân là yếu tố quan trọng giúp giảm tai nạn đường sắt”
Theo Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, khu vực đường ngang tiếp giáp với ngõ 210 đường Ngọc Hồi là ngõ nhỏ nhưng có đầy đủ hệ thống cảnh báo cho người và phương tiện khi đi qua đường sắt. Khoảng cách giữa đường ngang tiếp giáp mặt đường Ngọc Hồi và nhà dân bảo đảm để người lưu thông quan sát khi tàu đi qua. Đây cũng là khu vực hạn chế tốc độ tàu hỏa. Vì vậy, khi lưu thông qua khu vực này, người dân cần chú ý quan sát, bảo đảm an toàn cho bản thân và xã hội.
Từ đầu năm đến nay, Đội Cảnh sát giao thông đường sắt (Phòng CSGT TP Hà Nội) tuần tra, tuyên truyền xuyên suốt bằng các hình thức phát tờ rơi, yêu cầu người dân ký cam kết không vi phạm hành lang và các quy định pháp luật có liên quan. Đặc biệt, từ 15/12/2022 đến 14/6/2023 Đội Cảnh sát giao thông đường sắt đã tuần tra xử lý 1.780 trường hợp vi phạm, phạt gần 7,4 tỉ đồng. Qua đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao rõ rệt.
Tuy nhiên, theo Phòng CSGT TP Hà Nội, hiện nay bất cập đường ngang giao cắt với đường sắt là câu chuyện được nhắc rất nhiều lần khi đề cập tới an toàn giao thông đường sắt. Việc không tuân thủ quy tắc giao thông của một bộ phận người dân khi đi qua những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tiểm ẩn nguy cơ rất lớn xảy ra tai nạn giao thông.
“Để đảm bảo an toàn tại những nơi này cần có các giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là ý thức tự giác chấp hành của mỗi người dân”, đại diện Phòng CSGT nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân xảy tai nạn giao thông đường sắt có nhiều lý do như sự xuống cấp của hạ tầng đường sắt. Tại các đường ngang giao cắt đường sắt với khu dân cư, khoảng cách an toàn vẫn còn khá hẹp, rất dễ gây rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, thiếu chú ý quan sát, kỹ năng lái xe kém khi qua các đường ngang đường sắt. Sau nữa là do sự bùng nổ các phương tiện giao thông ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư dẫn tới sự quá tải về giao thông ở các đô thị, việc tùy tiện mở các đường đi trái phép vượt qua đường sắt là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
Điều kiện hạn chế, lực lượng nhân viên gác tàu còn mỏng; Công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt còn chưa được coi trọng. Đặc biệt, còn tồn tại sự phối hợp thiếu đồng bộ của các cơ quan chuyên trách bởi mỗi ngành, mỗi đơn vị mạnh ai nấy làm, công tác phối hợp còn rất yếu, ngay cả số liệu thống kê của mỗi nơi lại mỗi khác…
Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, cùng với việc tuyên truyền giáo dục nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông là việc giải tỏa những vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; Quy hoạch đường gom, xây dựng hàng rào, tiến tới xây dựng cầu vượt, cầu chui để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.