Nhiều chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân khiến nhiều người Việt mắc sỏi thận vì một thói quen làm hàng ngày.
“Vành đai sỏi” được xem như một khái niệm chỉ những quốc gia có tỷ lệ người mắc sỏi thận cao. Việt Nam mới đây đã thuộc “vành đai sỏi” của thế giới, bị xếp vào nhóm những quốc gia có tỷ lệ sỏi tiết niệu cao nhất thế giới. Cụ thể, Việt Nam ghi nhận có 2-12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%. Đây được xem là một tình trạng đáng lo ngại và báo động đối với sức khỏe của nhiều người.
Mặt khác, Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 11 về bệnh ung thư tiền liệt tuyến với gần 4.000 ca mắc mới. Nhìn chung, Việt Nam dễ gia tăng tỷ lệ người mắc các bệnh tiết niệu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu do lối sống, thói quen uống ít nước, ăn mặn, nhiễm trùng tiết niệu, mắc các bệnh chuyển hóa, ít vận động…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến nhiều người Việt bị sỏi thận là do Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới. Thông thường, con người uống 2 lít nước mỗi ngày là đủ cung cấp cho cơ thể. Tuy nhiên lượng nước tiêu chuẩn 2 lít/ngày sẽ không đủ đáp ứng cho các hoạt động mất nước gồm đi tiêu , chảy mồ hôi, mất nước qua hơi thở đối với cơ địa người Việt Nam. Thận có chức năng thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể, nếu lượng nước uống vào ít nhưng chất hòa tan nhiều hơn thì khả năng chất cặn bã đọng lại, kết tinh gây sỏi cao hơn.
Ngoài ra, người Việt cũng được cho là top có thói quen ăn mặn nhất thế giới. Trong bữa ăn của người Việt hàng ngày đều có món mặn, có đĩa nước mắm ớt vắt chanh. Các món khoái khẩu của người Việt là mắm, khô sặc, tôm khô, kho tộ, thịt kho tàu… Tuy nhiên khi ăn mặn, nước tiểu thải ra cũng mặn, dễ kết tinh thành sỏi.
Một lý do nữa là nước máy hầu như chưa được khử hết chất vôi, sử dụng nước máy trong ăn uống, nấu nướng cũng dễ gây ra bệnh sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng. Đây là lý do vì sao ở một số vùng của các tỉnh Ninh Bình, Tây Ninh có nhiều người mắc sỏi thận.