Năm 1062, Bao Thanh Thiên qua đời. Tang lễ của ông có điều đặc biệt đó là có tới 21 quan tài thay vì chỉ một chiếc như mọi người. Điều này gây tò mò lớn. Có người cho rằng, đây là cách để che giấu mộ phần của ông khỏi những kẻ phá hoại.
Khi nhắc đến những vị quan được yêu mến và kính trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ ngay đến Bao Chửng hay còn gọi là Bao Thanh Thiên, Bao Công.
Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình. Bao Thanh Thiên có khả năng xử án bất phàm, đã giải quyết rất nhiều vụ án lớn nhỏ, hơn nữa luôn đứng về phía dân đen, chính vì vậy được người dân hết mực yêu quý.
Theo sách Tống sử, Bao Công tên thật là Bao Chửng (999-1062), tự Hy Nhân. Ông còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, Bao học sĩ hay Bao Long Đồ.
Bao Công người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Từ khi còn nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là người con hiếu thảo, sống mực thước.
Năm 1027, ông thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Tuy nhiên, do cha mẹ già yếu nên ông xin khoan nhận việc và ở nhà chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. 10 năm sau, cha mẹ qua đời, Bao Công mới bước ra chính trường. Khi ấy ông đã 38 t.uổi.
Khi nhắc đến Bao Công, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh một vị quan thanh niêm với gương mặt đen xì và vầng trăng khuyết ở giữa trán. Tuy nhiên, đây chỉ là tình tiết được tạo dựng trên các bộ phim. Sự thật là Bao công có diện mạo hoàn toàn khác.
Bao Công ngoài đời thực được cho là người trắng trẻo, có phần thư sinh. Tạo hình mặt đen là do ảnh hưởng của kinh kịch, hát bội. Bởi theo các loại hình này, mặt trắng là đại diện cho kẻ tiêu nhân; mặt đỏ đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa; mặt đen đại diện cho sự nghiêm túc, quân tử, chí công vô tư.
Tương truyền, Bao Công là một trong 7 vị Bắc Đẩu tinh quân, giáng trần, tên là Văn Khúc Tinh Quân. Vì vậy mới có việc Bao Công ban ngày xử án dương gian, ban đêm xử án âm phủ.
Theo văn hóa dân gian, vầng trăng trên trán của Bao Công tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối.
Đây chính là cơ sở để các bộ phim sau này xây dựng hình tượng Bao Công.
Ngoài ra, một trong những chuyện kỳ bí nhất xảy ra xung quanh cuộc đời Bao Thanh Thiên phải kể đến đám tang của ông. Năm 1062, Bao Chửng hưởng thọ 64 t.uổi, Hoàng đế Tống Nhân Tông vô cùng thương tiếc, đích thân làm chủ lễ truy điệu, ban cho ông thụy hiệu “Hiếu Túc” và đưa linh cữu về quê hương Lư Châu an táng.
Ngày diễn ra lễ tang Bao Thanh Thiên, rất nhiều người dân đã tới Phủ Khai Phong để đưa tiễn, bày tỏ lòng thương xót. Tuy nhiên, họ đã vô cùng bất ngờ và khó hiểu khi đám tang này xuất hiện tới 21 chiếc quan tài, được khiêng đi theo 7 hướng khác nhau từ cổng. Không một ai biết Bao Chửng nằm trong chiếc quan tài nào. Chính vì thế, ngoài những người khiêng quan tài thì không có người dân nào đi theo quan tài vì họ không rõ thực sự đâu là chiếc quan tài có xác của Bao Chửng.
Có người lý giải rằng Bao Chửng vô cùng thương dân, cố tình dùng cách này để từ biệt thiên hạ, mong rằng những người dân sẽ không cần đau buồn khi đi theo để chôn cất ông.
Cũng có giả thuyết cho rằng đây là kế sách “tung hỏa mù” của Bao Thanh Thiên. Thực chất, khi Bao Thanh Thiên còn sống, ông đã làm rất nhiều chuyện tốt, phá giải nhiều vụ án, giúp dân đen đòi lại công bằng, chính vì thế đã không ít lần đắc tội với những quý tộc, quan lại quyền quý. Lúc đó, ông rất được hoàng đế trọng dụng nên không kẻ nào dám đụng đến.
Tuy nhiên khi Bao Chửng qua đời, không tránh khỏi việc những kẻ xấu có dã tâm độc ác, muốn trả thù lên di thể của ông và phá hủy phần mộ. Chính vì vậy, sự xuất hiện của 21 chiếc quan tài và đưa đi theo 7 hướng khác nhau là cách đ.ánh lạc hướng những kẻ xấu này, tránh chúng xâm phạm mộ phần của Bao Chửng. Nhờ thế, Bao Thanh Thiên lại thêm một lần khiến người đời bái phục về sự thông minh và tâm cơ của mình.
Sự ra đi của Bao Công cũng khiến dân chúng đau buồn không nguôi. Tại vị trí của những ngôi mộ này đều có người dân thường xuyên cúng bái, thay phiên trông coi, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những lần bị xâm phạm.
Trước kia, hầu hết mọi người đều tin rằng mộ thật của Bao Chửng nằm tại Tống Lăng (huyện Củng, tỉnh Hà Nam). Nơi đây cũng thường xuyên được nhân dân cúng bái, tu sửa qua các triều đại. Nào ngờ, đây chỉ là một trong số những ngôi mộ giả của ông.
Quá trình tìm ra ngôi mộ thật của Bao Chửng không hề dễ dàng. Ban đầu, người ta tin rằng mộ của Bao Chửng nằm ở vị trí nổi bật nhất trong quần thể các ngôi mộ gia tộc họ Bao. Nhưng thực ra, để tránh nạn binh lửa và đ.ánh lạc hướng những kẻ trộm mộ, di cốt của Bao Thanh Thiên đã được con cháu trong gia tộc họ Bao di chuyển tới chôn cất ở một nơi bí mật.
Mãi sau đó, các nhà khảo cổ học mới tìm thấy một ngôi mộ nằm lẻ loi phía ngoài rìa nghĩa trang gia tộc. Đây mới thật sự là nơi chôn cất Bao Chửng.
Có thể thấy, việc an táng và bảo quản di thể Bao Chửng rất bí mật và phức tạp nhưng tất cả đều hướng tới một mục đích là để vị quan này được yên giấc ngàn thu sau khi đã dành cả cuộc đời để bảo vệ lẽ phải.