Mỗi vụ đều khiến 5 người thiệt mạng, cùng xảy ra vào khung giờ “tử thần” ban đêm… là những điểm chung đáng sợ của 2 vụ tai nạn giao thông ở Lạng Sơn và Đồng Nai xảy ra trong vòng 1 tháng qua.
Tai nạn trong khung giờ “tử thần”
Chỉ trong vòng 1 tháng, đã xảy 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (ở Đồng Nai và Lạng Sơn) khiến 10 người tử vong. Tất cả đều xảy ra vào khung giờ “tử thần” ban đêm.
Cụ thể, khoảng 2h10 ngày 31/10, xe khách 16 chỗ đang lưu thông trên Quốc lộ 1A (tại dốc Rừng Cấm, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) thì va chạm với ô tô đầu kéo có rơ-moóc đỗ cùng chiều phía trước. Sau đó, xe khách tiếp tục va chạm với ô tô đầu kéo khác.
Thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách chở 16 người (gồm cả lái xe). Cú va chạm mạnh khiến 4 người tử vong tại chỗ, 1 người tử vong khi đưa đến bệnh viện; 10 người bị thương.
Trước đó, vào khoảng 2h30 ngày 30/9, tại Đồng Nai xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra.
Tài xế điều khiển xe giường nằm chở 32 hành khách chạy trên Quốc lộ 20 hướng TP.HCM – Lâm Đồng. Khi đến ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, Đồng Nai, ô tô bất ngờ tông xe khách chở 8 người đi chiều ngược lại. Cú đâm trực diện khiến 5 người tử vong.
Trước đó, từng có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào ban đêm, thời điểm mà các tài xế hay gọi là khung giờ “tử thần” liên quan đến xe khách, xe tải.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), 80% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, không chú ý quan sát gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, có khoảng 40% vụ xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (từ 0h – 6h). Thời điểm này đường vắng, lái xe chủ quan, chạy tốc độ cao và thường mệt mỏi, điều khiển xe trong trạng thái buồn ngủ.
Đề xuất sửa quy định, giảm giờ lái xe liên tục
Trước thực trạng này, tháng 8 vừa qua, Bộ GTVT đã đề xuất sửa quy định thời gian làm việc của tài xế. Theo đó, tại Điều 56, Dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ; trong một ngày không lái quá 8 giờ.
Đặc biệt, dự thảo cũng đưa ra quy định mới đối với khung giờ “tử thần” (trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau), tài xế không được lái xe liên tục quá 3 giờ, thời gian nghỉ giữa hai lần lái liên tục tối thiểu 30 phút.
Đề xuất này được điều chỉnh so với Điều 65 Luật Giao thông đường bộ hiện hành (thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải không được quá 10 giờ trong một ngày, không lái liên tục quá 4 giờ).
Theo Cục Đường bộ (cơ quan được Bộ GTVT giao chủ trì soạn thảo dự thảo Luật), việc nghiên cứu giảm thời gian lái xe liên tục, tăng thời gian nghỉ ngơi cho tài xế trong khung giờ ban đêm là rất cần thiết.
Cơ quan soạn thảo cho rằng cần kiểm soát chặt và tạo điều kiện để tài xế có sức khỏe, tỉnh táo khi chạy xe, ngăn chặn tai nạn giao thông. Điều này cũng được quy định chặt chẽ ở nhiều nước.
Chẳng hạn như tại Trung Quốc, thời gian lái xe liên tục vào ban ngày không quá 4 giờ, ban đêm không quá 2 giờ và thời gian nghỉ ngơi cho mỗi lần dừng không dưới 20 phút. Xe khách không được chạy vào ban đêm trên một số tuyến đường có tiêu chuẩn di chuyển an toàn thấp.
Malaysia cũng quy định tài xế xe vận tải thương mại không được lái xe liên tục quá 4 giờ, nghỉ một ngày sau 6 ngày làm việc và nghỉ tối thiểu 12 giờ trước khi bắt đầu hành trình đầu tiên.
Tại hội thảo trao đổi, thảo luận nội dung liên quan các dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, sẽ trình tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03 – Bộ Công an) đã nhắc lại vụ tai nạn xe khách Thành Bưởi.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, khi xem clip ghi cảnh cuối cùng trên xe, có thể thấy tài xế vò đầu, bứt tóc, không thể phản xạ kịp dẫn đến vụ tai nạn làm 5 người chết, 4 người bị thương.
Qua đó, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhấn mạnh việc lái xe trong trạng thái buồn ngủ là hết sức nguy hiểm, yêu cầu chạy đường dài không quá 3 giờ liên tục là phù hợp với sức khỏe, trạng thái thần kinh của tài xế.
* Hiện nay cả nước có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải ô tô được cấp phép với khoảng 900.000 phương tiện. Trong đó, có hơn 308.700 xe khách và 566.800 xe tải các loại. Số lượng tài xế kinh doanh vận tải trên 1 triệu người.
https://vietnamnet.vn/su-trung-hop-dang-so-trong-2-vu-tai-nan-giao-thong-o-lang-son-va-dong-nai-2210048.html