Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Việt. Vào ngày này, các gia đình thường sắm sửa một vài lễ vật để dâng lên tổ tiên, thần linh.
Tùy vào quan niệm của từng địa phương mà lễ vật dâng cúng Tết Đoan Ngọ sẽ có sự khác biệt. Ở một số nơi, ngoài các món ăn, người ta còn dâng thêm chỉ ngũ sắc để đeo cho các bé.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ thường có rượu nếp. Những hạt cơm nếp được lên men tỏa ra hương thơm hấp dẫn.
Rượu nếp là món đặc trưng trong dịp Tết Đoan Ngọ vì nó có vị cay, nóng, hơi chua. Người ta tin rằng, ăn các loại thực phẩm như vậy trong ngày 5/5 âm lịch sẽ giúp tiêu diệt toàn bộ sâu bọ trong cơ thể.
Ngoài ra, rượu nếp được làm từ gạo – một biểu tượng quan trọng của nền văn minh lúa nước. Dâng cúng các món ăn được làm từ loại lương thực này chính là để báo cáo với tổ tiên, thần linh, cảm tạ bề trên đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Bánh tro
Bánh tro cũng là một món ăn thường xuất hiện trên mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Theo Đông y, bánh tro có vị nhạt, tính mát, cực kỳ dễ tiêu, tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, lợi tiểu, thải độc.
Trước kia, bánh tro thường được gói hình tam giác. Theo thuyết ngũ hành, hình tam giác đại diện cho hành Hỏa, tương sinh với hành thổ của lớp bên trong bánh. Ngoài ra, màu sắc của bánh tro cũng tượng trưng cho màu của đất.
Vải, mận
Bên cạnh hai món trên, trong dịp Tết Đoạn Ngọ, mâm cỗ không thể thiếu những loại hoa quả tươi. Tháng 5 âm lịch hàng năm là thời điểm mận, vải chín rộ. Vì thế, người ta cũng thường dùng hai loại quả này để dâng cúng trên mâm cỗ Tết Đoan Ngọ.
Tương tự như rượu nếp, người xưa tin rằng ăn các loại trái cây này vào sáng ngày 5/5 âm lịch sẽ giúp diệt sạch sâu bọ trong người.
Lưu ý, nên ăn lót dạ bằng bún, cháo hoặc bánh trước khi thưởng thức vải, mận để không làm hại dạ dày.
Nguồn gốc của ngày Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ hay còn có tên gọi khác là tết Đoan dương, tết diệt sâu bọ,… được tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm.
Tết Đoan Ngọ 2023 rơi vào ngày thứ Năm, ngày 22/6 dương lịch.
Đoan Ngọ nghĩa là bắt đầu giữa trưa (đoan: mở đầu, ngọ: giữa trưa). Bởi vậy, lễ cúng diễn ra vào giờ Ngọ, từ 11h đến 13h.
Theo truyền thống, người dân thường làm mâm cúng Tết Đoan Ngọ dâng lên tổ tiên để thể hiện lòng thành, cầu mong một vụ mùa bội thu, có nhiều sức khỏe và gặp may mắn.
Những việc nên làm trong ngày Tết Đoan Ngọ để may mắn cả năm
Thực hiện nghi thức giết sâu bọ
Người xưa quan niệm trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở, gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.
Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả vào ngày 5/5. Người miền Bắc thường diệt sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm và diệt sâu bọ bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả…
Khảo cây vào giờ Ngọ
Tại thời khắc mặt trời lên đến đỉnh đầu vào ngày Tết Đoan Ngọ, người dân sẽ bắt đầu đi khảo cây. Đây là một hành động đánh vào cây để kiểm tra những vấn đề mà cây đó đang gặp phải.
Để thực hiện phong tục này cần có 2 người: Một người đóng vai cây và phải trèo lên cây, một người cầm dao gõ vào gốc cây và vấn đáp một số câu hỏi như: Mùa sau cây có ra nhiều quả không? Tại sao năm nay lại cho ra ít quả thế?…
Tắm nước lá
Vào ngày mùng 5/5, sau khi ăn cơm rượu nếp để giết sâu bọ, nhiều gia đình chuẩn chuẩn bị nước tắm từ các loại thảo dược như lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre… Người xưa cho rằng, việc tắm lá thuốc giúp cơ thể thơm tho, khoan khoái dễ chịu, trị được cảm mạo và xua mầm bệnh.
Nhiều người cũng dùng nước lá thơm để gội đầu, xông.
Hái lá thuốc
Theo quan niệm truyền thống, 12 giờ trưa là thời điểm dương khí tốt nhất vì ánh nắng tỏa ra nhiều nhất. Do đó, hái lá thuốc vào thời điểm đó sẽ có tác dụng trị bệnh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phong tục này chỉ diễn ra ở một số địa phương.
Phóng sinh
Tết Đoan Ngọ được xem là ngày lành trong trong năm nên sẽ vô cùng thích hợp để phóng sinh. Phóng sinh là việc thiện và sẽ mang lại phước lành, may mắn cho người thực hiện.
Bài cúng Tết Đoan Ngọ theo sách Văn khấn toàn tập.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân.
Con kính lạy tổ tiên, hiển khảo, hiển tỷ, chư vị hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng tổ khảo, tổ tỷ).
Tín chủ chúng con là… ngụ tại…
Hôm nay là ngày mùng 5/5 âm lịch, nhằm ngày Tết Đoan ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa, trà, quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần, cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh, gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin các vị thương xót con cháu, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị tiền chủ, hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an, bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Tổng hợp: https://phunutoday.vn/tet-doan-ngo-nho-dang-cung-3-mon-nay-de-gia-tien-phu-ho-gia-chu-dac-loc-gap-nhieu-may-man-d370767.html
Nguồn: https://www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn/tet-doan-ngo-nho-dang-cung-3-mon-nay-de-gia-tien-phu-ho-gia-chu-dac-loc-gap-nhieu-may-man-720102.html
https://www.phunuvagiadinh.vn/yeu-hon-nhan-6/muon-ca-nam-may-man-loc-la-xum-xue-ung-tet-oan-ngo-nho-lam-ngay-nhung-viec-nay-594058