Những loại rau dân dã này mọc rất nhiều ở Việt Nam vào mùa hè và mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Rau sam
Trong vườn nhà, có loại rau thường mọc dại như cỏ, sức sống mãnh liệt vô cùng, đó chính là rau sam. Mọc hoang và ngoại hình giản dị, nhưng rau sam chính là vị thuốc quý trong y học cổ truyền, có thể dùng để điều trị nhiều bệnh thông thường và cả bệnh mãn tính.
Khi ăn rau sam, người ta tìm thấy vị thanh dịu, chua nhẹ vô cùng đặc biệt. Tuy nhiên, điều đáng trân quý nhất của rau sam chính là nguồn dinh dưỡng dồi dào. Một số tác dụng của rau sam phải kể đến như:
– Rau sam vị chua, vì vậy kích thích tiêu hóa hoạt động.
– Rau sam có khả năng thanh nhiệt, trị nóng do có tính hàn.
– Rau sam có kháng sinh tự nhiên nên có khả năng sát trùng, chữa trị mẩn ngứa ngoài da…
– Rau sam có khả năng tiêu thũng nên có tác dụng điều trị các chứng mụn nhọt mẩn ngứa sưng đau ngoài da…
Rau dền
Rau dền là loại rau khá phổ biến trong các bữa ăn gia đình. Loại rau này được ví là loại rau “trường thọ”, “bổ hơn thịt, rẻ hơn thuốc”. Đây là loại rau có hàm lượng chất sắt cao nhất trong các loại rau tươi.Rau có vị ngọt, mát đồng thời chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thành phần sắt trong rau dền chiếm hàm lượng khá cao. Sử dụng rau dền có thể giúp giảm viêm, tốt cho xương, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đái tháo đường…
Hàm lượng sắt lớn trong rau dền giúp gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu. Chính vì thế đây là thực phẩm rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu. Nếu ăn rau dền thường xuyên còn giúp ổn định đường huyết, cải thiện bệnh tiểu đường tuýp 2. Rau dền phù hợp sử dụng mùa hè giúp giải nhiệt, giải độc cực tốt.
Ngoài ra, rau dền có chứa các chất có lợi như chất chống oxy hóa. Người ta quan tâm đến việc sử dụng rau dền chữa bệnh mỡ máu cao vì một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng khi chúng ăn rau dền thì có thể làm giảm cholesterol toàn phần và cholesterol LDL , đồng thời tăng cholesterol HDL. Nhưng ăn rau dền dường như không có những lợi ích này ở người.
Lá hẹ
Lá hé được mệnh danh là rau của thận, giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy tiêu hóa. Loại rau này cũng chứa nhiều vitamin và chất xơ thô, có tác dụng trị táo bón, ngăn ngừa ung thư ruột kết. Đồng thời, lá hẹ cũng có công dụng làm tan huyết ứ, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải độc. Mọi người có chế biến lá hẹ bằng cách nấu canh với tôm hay thịt hoặc xào trứng…
Theo Đông y, cây rau hẹ có tác dụng làm thuốc cụ thể, lá hẹ để sống có tính nhiệt, nấu chín thì ôn, vị cay; vào các kinh Can, Vị và Thận. Có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc. Thường dùng chữa ngực đau tức, nấc, ngã chấn thương,… Gốc rễ hẹ có tính ấm, vị cay, có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ, thường dùng chữa ngực bụng đau tức do thực tích, đới hạ, các chứng ngứa,… Hạt hẹ có tính ấm, vị cay ngọt; vào các kinh Can và Thận. Có tác dụng bổ Can, Thận, tráng dương, cố tinh. Thường dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, mộng tinh, di tinh, lưng gối yếu mềm.
Tầm bóp
Cây tầm bóp tên khoa học là Physalis angulata. Chúng có các tên gọi thân thuộc khác ở Việt Nam như: cây bôm bốp, thù lù cạnh, bùm bụp hay lồng đèn. Cây tầm bóp là cây thân thảo, thuộc họ Cà, nguồn gốc từ các nước châu Mỹ nhiệt đới và sống như cỏ dại.
Cây tầm bóp sống tập trung ở vùng khí hậu nhiệt đới, chúng thường mọc dại dọc theo hai bên đường đi, bờ ruộng, trong vườn, trên bãi cỏ hay các khu đất hoang. Ngoài ra, cây tầm bóp còn được tìm thấy ven các khu rừng có độ cao dưới 1.500m tính từ mặt nước biển.
Ở Việt Nam, tầm bóp phát triển phổ biến ở khắp mọi nơi. Nhờ vào những lợi ích giá trị của nó, nhiều vùng đã trồng cây tầm bóp như một loại rau ăn hàng ngày, hoặc làm thuốc chữa nhiều bệnh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bổ sung lượng thực phẩm giàu vitamin C như rau tầm bóp sẽ có lợi trong điều trị nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư ruột kết và ung thư miệng.