Để tưởng nhớ những đóng góp to lớn của các nghệ sĩ này trong sự nghiệp nghệ thuật nước nhà, cơ quan chức năng đã đề xuất đặt tên đường ở TP.HCM theo họ.
Theo quy định ghi rõ, tên đường trong lãnh thổ Việt Nam ở các thành phố, huyện thị… đều được đặt tên theo một quy luật rõ ràng. Đó chính là tên địa danh nổi tiếng có ý nghĩa và giá trị tiêu biểu về lịch sử – văn hóa của dân tộc hoặc địa phương, ăn sâu vào tiềm thức của người dân và gắn bó đặc biệt với địa phương đó. Quy luật thứ 2 là danh từ ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa và xã hội; tên di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị cấp quốc gia hoặc địa phương; tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng mang tầm vóc to lớn; tên danh nhân (bao gồm danh nhân nước ngoài) được nhiều người biết đến, có tài năng, đức độ, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hoặc trong một lĩnh vực cụ thể…
Tháng 6/2023, Ban chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM đã đề xuất đặt một số con đường ở TP.HCM theo tên của 8 nghệ sĩ lớn, có danh tiếng nổi trội của nghệ thuật sân khấu cải lương. Những nghệ sĩ đó bao gồm: NSND Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), NSND Phùng Há (Trương Phụng Hảo), NSND Bảy Nam (Lê Thị Nam), nghệ sĩ Năm Phỉ (Lê Thị Phỉ), NSND Út Trà Ôn (Nguyễn Thành Út), NSND – soạn giả Viễn Châu (Huỳnh Trí Bá), soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng (Đặng Ngươu Chúc – Lương Kế Nghiệp) và NSND Lương Đống.
Tên của 8 nghệ sĩ này sẽ được bô sung vào Quỹ tên đường thành phố. Việc đặt tên theo tên của 8 nghệ sĩ kể trên là sự tri ân của thành phố dành cho những cống hiến, đóng góp của các văn nghệ sĩ đã dành cả đời để phụng sự công việc của mình và góp phần làm giàu đẹp nền nghệ thuật nước nhà.
Trước đó, không ít các nghệ sĩ nổi tiếng đã được sử dụng tên để đặt tên đường ở TP.HCM như Năm Châu, Thanh Nga… Việc đặt tên đường như thế này sẽ giúp người dân có cơ hội tìm hiểu và biết thêm về lịch sử nghệ thuật sân khấu tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Được biết, NSND Phùng Há được xem là tượng đài của nghệ thuật cải lương, bà theo nghề hát từ rất sớm và từng đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu. Không chỉ có tài sân khấu, Phùng Há còn thường tham gia các hoạt động mang lại lợi ích tốt đẹp cho nghệ thuật. Bà được nhận xét là người thầy tận tụy, để lại nhiều bài học quý giá cho lớp nghệ sĩ hậu bối.
NSND Tám Danh được biết đến là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu trong làng sân khấu như đạo diễn Ca Lê Hồng, NSND Thanh Vy, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Phi Điểu… Họa sĩ Lương Đống là bậc thầy về mỹ thuật sân khấu Việt Nam. Ông từng thiết kế cho nhiều vở diễn giá trị, trở thành thầy và nhà nghiên cứu, viết sách.
Trong khi đó, NSND Bảy Nam và NSND Năm Phỉ đều là những cô đào hội tụ đủ thanh sắc và được xem là kỳ tài trong giới cải lương. NSND Út Trà Ôn để lại nhiều tác phẩm rạng danh, nhiều bài ca cổ dưới sự thể hiện của ông trở thành bất hủ như “Tình anh bán chiếu”, “Ông lão chèo đò”, “Tôn Tẩn giả điên”…
Soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là ông vua vọng cổ, sáng tác khoảng 4.000 bài ca cổ và 70 tuồng cải lương. Soạn giả Hải Triều – Hoa Phượng để lại cho đời vở tuồng huyền thoại “Con gái chị Hằng”, “Mưa rừng”, “Tấm lòng của biển”…